Quyền chỉ định những nội dung khi lập di chúc?

Nội dung di chúc thể ý chí cá nhân của người để lại di sản. Vì vậy, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền thừa kế, phân định di sản thừa kế. . . Để nắm rõ chi tiết quy định về những quyền của người lập di chúc, mời độc giả cùng tham khảo bài viết sau đây.

1. Chỉ định người thừa kế

Người để lại di sản có quyền chỉ định người thừa kế theo di chúc theo ý chí nguyện vọng cá nhân của mình mà không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể khác. Chủ thể đó có thể là cá nhân, tổ chức, pháp nhân tùy vào nguyện vọng của người để lại di sản thừa kế

2. Truất quyền hưởng di sản của người thừa kế

Người để lại di sản thừa kế có quyền truất quyền hưởng di sản của người thừa kế mặc dù họ có đủ điều kiện trở thành người thừa kế theo quy định của pháp luật. Người để lại di sản thừa kế có quyền truất quyền hưởng di sản nhưng trừ các trường hợp theo luật định được hưởng di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc bao gồm con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con chưa thành niên mà không có khả năng lao động sẽ được hưởng số di sản thừa kế bằng hai phần ba suất di sản của người thừa kế theo pháp luật.

3. Phân định di sản cho từng người thừa kế

Người để lại di sản thừa kế có quyền phân chia di sản, tức thực hiện quyền định đoạt đối với di sản thừa kế thuộc quyền sở hữu của mình. Người để lại di sản thừa kế có quyền phân chia cụ thể cho người thừa kế nào hưởng phần di sản là bao nhiêu hoặc hưởng di sản là hiện vật gì.

4. Gia nghĩa vụ tài sản đối với những người thừa kế

Người thừa kế phải thực hiện một công việc nhất định vì lợi ích vật chất của người khác mà đáng lẽ khi còn sống, người để lại di sản phải thực hiện như việc trả nợ hoặc bồi thường thiệt hại,… Người thừa kế không có trách nhiệm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ mà người để lại di sản thừa kế để lại mà chỉ thực hiện phần nghĩa vụ trong phạm vi di sản được hưởng của mình trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên người thừa kế không phải thực hiện các nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của người để lại di sản.

5. Chỉ định phần di sản dùng để di tặng

Di tặng là việc người để lại di sản dành một phần trong số di sản thừa kế để tặng cho người khác và điều này được thể hiện rõ trong di chúc.

Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.

6. Chỉ định phần di sản dùng vào việc thờ cúng

Người để lại di sản có quyền dùng một phần di sản vào việc thờ cúng và chỉ định một người trong di chúc thực hiện việc quản lý tài sản đó.
Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

7. Chỉ định người giữ di chúc, quản lý di sản, người phân chia di sản

Người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản là những người được người để lại di sản tin tưởng và giao nhiệm vụ thực hiện những công việc trên với bản di chúc của mình để đảm bảo ý nguyện của mình không bị người khác xâm phạm hoặc tránh việc di chúc bị thất lạc, hư hỏng.

8. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc

Người để lại di sản có quyền tự mình sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc theo ý chí cá nhân của mình.

Sửa đổi di chúc là người để lại di sản bằng ý chí của mình phủ nhận một phần của di chúc và thay thế những nội dung mới, theo đó phần mới sửa đổi sẽ là phần có hiệu lực thay thế phần bị sửa đổi.

Bổ sung di chúc là việc mà người để lại di sản bổ sung những điều chưa có của di chúc hoặc làm rõ hơn, chi tiết hơn những điều đã được quy định trong di chúc. Theo đó, cả phần nội dung hiện tại và phần nội dung mới được bổ sung cùng có hiệu lực.

Thay thế di chúc là việc người để lại di sản thừa kế hủy bỏ toàn bộ bản di chúc cũ và thay vào đó là một di chúc mới.

Hủy bỏ di chúc là việc người để lại di sản thừa kế hủy bỏ toàn bộ bản di chúc cũ nhưng không lập ra bản di chúc mới thay thế

Trên đây là những quy định về quyền của người lập di chúc, hy vong qua bài viết độc giả phần nào nắm được những quyền mà người lập di chúc có thể thực hiện theo nội dung di chúc của mình. Nếu còn vướng mắc quy định nào, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư DHLaw qua Tổng đài: 0909854850 để được tư vấn cụ thể.